>> Cư dân mạng tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp / Báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin “đại tướng huyền thoại” Việt Nam qua đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời hồi 16 giờ ngày 4/10/2013 tại Viện Quân y 108, thọ 103 tuổi. Lễ viếng Đại tướng được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013. Theo thông báo của Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 5/10/2013, Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang. Ngay sau hung tin về Đại tướng được thông báo, thế hệ trẻ đã có những hành động thể hiện lòng tiếc thương vô hạn. Phần lớn chọn cách chia sẻ hình ảnh, những câu chuyện, câu nói nổi tiếng của Đại tướng lên mạng xã hội, diễn đàn. Những dòng chia sẻ của cư dân mạng đều tràn ngập cảm xúc sững sờ, đau thương, xót xa và tiếc nuối. Những ngày này, được chia sẻ nhiều nhất vẫn là các bài thơ của cộng đồng mạng tự sáng tác để ca ngợi công lao của Đại tướng, cũng như bày tỏ sự tiếc thương trước vong hồn người đã khuất. Được truyền tay nhau nhiều nhất có thể kể đến bài thơ “Hàng triệu người tự cài lấy băng tang” kính viếng Vị tướng tài Võ Nguyên Giáp của Tiến sĩ toán học Lê Thống Nhất, thầy giáo có tài làm thơ nổi tiếng. Bài thơ thể hiện trọn vẹn mọi cung bậc cảm xúc của gần 90 triệu người dân Việt Nam khi hay tin Đại tướng qua đời: từ ngỡ ngàng, sững sờ cho tới nghẹn lời, thương tiếc. Đại tướng ra đi là tổn thất không nhỏ của cả đất nước Việt Nam, nỗi đau len lỏi vào từng gia đình khi “bữa cơm tối nhà dừng ăn tiếp”. Tiến sĩ Lê Thống Nhất còn đưa người đọc đi từ lịch sử oai hùng của “anh Văn” (tên thân mật của Đại tướng) trong thời chiến với những địa danh Phai Khắt, Nà Ngần, hầm Đờ-cát cho tới thời đất nước thống nhất với “Nụ cười vẫn hiền, tình vẫn chứa chan/ Tuổi tác càng cao lại càng đức độ”. Đoạn kết nói lên nỗi lòng của nhiều người dân Việt Nam khi dù không thể đến dự lễ viếng Đại tướng, trong tim mỗi người đều đã cúi đầu, “tự cài lấy băng tang”, kính cẩn nghiêng mình trước người con ưu tú của dân tộc. HÀNG TRIỆU NGƯỜI TỰ CÀI LẤY BĂNG TANG (Lê Thống Nhất) Bên cạnh tác phẩm của Tiến sĩ Lê Thống Nhất, bài thơ 9 câu với 9 chữ đầu ghép lại thành dòng chữ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu trường thọ” cũng được chia sẻ dày đặc trên trang mạng xã hội: ĐẠI đoàn kết nhân dân là sức mạnh TƯỚNG và quân lớn mạnh bởi kết đoàn VÕ học trí cao anh tài cứu quốc NGUYÊN khí thịnh suy vận nước là đây GIÁP trận chiến công vang khắp toàn cầu KÍNH già thương trẻ sáng ngời đạo đức YÊU mến, vì dân suốt đời tận tụy TRƯỜNG kỳ kháng chiến sử ghi huyền thoại THỌ với non sông mãi mãi lưu danh. (Khuyết danh) Ngoài ra, còn rất nhiều vần thơ khuyết danh được sáng tác ngay sau khi Đại tướng qua đời được chia sẻ trên mạng. Người con Lệ Thủy, Quảng Bình (Khuyết danh) Đại Tướng Võ Nguyễn Giáp Suốt đời vì nước vì non Với bao chiến tích vẫn còn tiếng vang Trong tay cờ đỏ sao vàng Dìu dắt dân tộc lên đàng vinh quang, Cuộc đời với những mốc thang Khởi đầu dạy sử trường làng Thăng Long Với bao ấp ủ trong lòng Cứu nguy dân tộc hưng vong một thời, Ánh sáng cộng sản gọi mời Nghe theo lời bác vâng lời tiến lên Ba tư chiến sỹ kề bên Việt Minh độc lập mạnh lên từng ngày, Cách mạng đã thành công này Cùng bao chiến thắng ghi dày công danh Việt Bắc, Biên Giới vang danh Đông Bắc, Tây Bắc đã dành chiến công, Thế giới đã khắc tên ông Với Điện Biên Phủ thật không phai mờ Việt Nam vẫn mãi tôn thờ Anh Hùng Dân Tộc trên tờ báo times, Sự nghiệp nối tiếp huy hoàng Mậu Thân - Kỷ Dậu vẫn vang muôn đời Khe Sanh, Quảng Trị một thời Chiến thắng vang dội bầu trời thủ đô, Toàn quân chung một câu hô Thần tốc táo bạo Thành Đô vẫy chào Ngoại ô năm cánh tiến vào Từ nay độc lập tết nào vui hơn. (Chu Tước 84) Đại tướng Võ Nguyên Giáp Trăm năm thế kỷ hai mươi Lẫy lừng tên tuổi con người Việt Nam. Ấy là Đại tướng phi phàm Viết nên trang sử son vàng vàng son. Chưa theo lớp học điều quân Mà nên thiên bẩm núi non cúi đầu. Này đây chấn động địa cầu Điện Biên một thuở Á Âu kinh hoàng. Này đây còn mãi vang vang Sài Gòn năm ấy Ngụy hàng về ta. Biết bao chiến tích nở hoa Dệt nên gấm vóc nước nhà hôm nay. Nước này giờ đã đổi thay Có công Đại tướng đem ngày mùa xuân. Tiếng thơm đến khắp xa gần Đâu đâu cũng nể, cũng thân vô cùng. Ngờ đâu những phút hãi hùng: Bây giời Đại tướng bỗng dưng về trời. Biết là tuổi đã lớn rồi Nhưng sao lại để cho đời xót thương? Căn nhà một nỗi vấn vương Con người giản dị mà tường vĩ nhân. Nhân dân một nỗi bâng khuâng Những người đồng chí cũng dâng lệ dài. Còn đâu Đại tướng đại tài Đã từng đánh bại những hai siêu cường? Còn đâu Đại tướng kiên trường Luôn luôn lên tiếng vì thương dân minh? Thôi thôi cũng lẽ thường tình Tuổi xưa nay hiếm cũng đành quy tiên. Tiễn chân Đại tướng lên thiên, Mong gặp tiền bối trên miền trời cao. Rồi thì sẽ hóa thành sao Chiếu soi đất nước đi vào ấm no. (Đạt Hoàng) |